Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 26
(Ảnh TNO - Báo Đất Việt)


Chất vấn của đại biểu Quốc hội chủ yếu xoay quanh các vấn đề về y đức, thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sỹ, công tác cấp giấy phép hành nghề và công tác quản lý nhà nước đối với y tế tư nhân, quản lý nhà nước về đầu thầu giá thuốc, việc nhập khẩu các thiết bị y tế, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm...

Trả lời tại buổi chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết vấn đề Y đức đã được Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành quy định từ năm 2001, để điều chỉnh tình trạng y đức trong đội ngũ y, bác sỹ. Bên cạnh đó, thời gian qua Bộ Y tế cũng đã có nhiều văn bản quy định về y đức, gắn với việc tổ chức học tập, quán triệt và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cho đội ngũ y tế trên cả nước. Để tăng cường cơ sở pháp lý trong vấn đề y đức, lần đầu tiên, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư về đạo đức hành nghề của đội ngũ y, bác sỹ và thành lập đường dây nóng để người dân trực tiếp phản ánh đến lãnh đạo Bộ, tất cả những giải pháp đó đã góp phần chấn chỉnh và nâng cao y đức của đội ngũ y tế. Tuy nhiên, trong thời gian qua ở một số nơi vấn đề y đức vẫn còn mặt hạn chế, dẫn đến gây bức xúc trong dư luận xã hội. Về nguyên nhân, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết có hai nguyên nhân chính đó là do tai biến y khoa và do tiêu cực. Bộ trưởng khẳng định, đối với lĩnh vực y tế, một khi có khám chữa bệnh thì có thể là khỏi bệnh, có thể để lại biến chứng và có thể thậm chí tử vong. Còn chữa bệnh thì còn tai biến. Đây là những lỗi của y khoa mà nền y học vẫn bất lực. Bên cạnh đó, bà Tiến cũng chỉ ra loại tai biến gây ra do tiêu cực, như trường hợp nhân bản xét nghiệm ở Hà Nội và tai biến do đạo đức nghề nghiệp tức là không có trách nhiệm, không có tình thương với bệnh nhân, nhũng nhiễu, đòi hỏi, tắc trách…

Trả lời câu hỏi về thời gian chấm dứt tình trạng y, bác sỹ thiếu y đức, Bộ trưởng Y tế cho rằng vấn đề này rất khó trả lời chính xác, chỉ có cách làm hạn chế. Về giải pháp chấn chỉnh y đức trong thời gian tới, Bộ trưởng cho biết: thứ nhất, ngành Y đã ra các văn bản quy phạm pháp luật; thứ hai là tăng cường công tác thanh kiểm tra; thứ ba là giáo dục và thứ tư là phối hợp rất chặt chẽ giữa người thầy thuốc, người bệnh và gia đình người bệnh. Bên cạnh đó, là cần xử lý nghiêm các trường hợp để sai sót, thiếu tinh thần, trách nhiệm trong khám và điều trị bệnh gây hậu quả nghiêm trọng; nhẹ thì cảnh cáo, nặng thì cách chức, xử phạt hành chính hoặc phạt hình sự.

Về việc cấp giấy chứng nhận hành nghề cho các cơ sở y tế tư nhân, cơ sở y tế nước ngoài, Bộ trưởng thừa nhận việc cấp giấy chứng nhận còn chậm. Tuy nhiên, bà lý giải việc chậm là do quy định, muốn cấp chứng chỉ hành nghề tư nhân thì cá nhân phải có lý lịch tư pháp, nhưng việc cấp lý lịch tư pháp rất chậm, đợi rất lâu. Hay quy định, bắt buộc cơ sở tư nhân phải có hệ thống xử lý nước thải; quy định thầy thuốc nước ngoài phải biết ngoại ngữ, phải có phiên dịch…những quy định đó làm cho việc cấp chứng chỉ hành nghề chậm. Về giải pháp, Bộ trưởng cho rằng thời gian tới sẽ tích cực phối hợp với các ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Tư pháp để đẩy nhanh tiến độ cấp giấy, đồng thời giao cho các Sở Y tế các tỉnh tích cực hơn nữa trong công tác cấp giấy.

Giải thích phản ảnh của đại biểu về thuốc đã được đấu thầu nhưng giá vẫn còn cao hơn thị trường, Bộ trưởng Y tế cho rằng nguyên nhân khiến giá thuốc bị đẩy lên cao là do quản lý nhà nước đã tạo ra kẽ hở. Bộ Y tế đã phối hợp với liên ngành xây dựng đơn giá của 17 nghìn loại thuốc đăng công khai trên cổng điện tử của Cục quản lý Dược (Bộ Y tế). Bên cạnh đó, Bộ Y tế đã phối hợp với các ngành phát động phong trào “Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam”, ngoài ra Bộ cũng đang xây dựng đề án trình Chính phủ để phong trào trên được triển khai sâu rộng hơn. Ngoài ra, Bộ đã ban hành quy chế kê đơn thuốc, quy định bác sỹ phải kê đơn gốc và hạn chế dùng các loại biệt dược. Về giải pháp, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng giải pháp căn cơ để quản lý tốt giá thuốc là phải tách bạch việc sản xuất và quản lý giá. Ngành Y tế vừa làm nhiệm vụ quản lý giá thuốc lại vừa sản xuất, vừa kê đơn như hiện nay là không phù hợp. Như vậy chẳng khác nào “vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Thanh Mộng

Nhận xét

Bài liên quan